Làm sao để vận dụng phong thủy từ thực vật cho phòng khách đầy sức sống và may mắn? Mời bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Hình dạng lá của cây
Khi lựa chọn thực vật cho không gian sống, đặc điểm quan trọng nhất bạn nên chú ý đó là hình dạng của những chiếc lá. Với phong thủy phòng khách, thông thường bạn không nên chọn cây có lá kim hoặc có hình mũi nhọn vì dễ sinh độc tố hoặc sát khí.
Để đảm bảo môi trường phong thủy tốt cho gian phòng, cây lá tròn, bản to hoặc ít nhất là lá có hình dạng bầu tròn, không có góc cạnh hay góc nhọn là lựa chọn tốt nhất.
Màu sắc cây
Màu sắc của thực vật cũng không nên bỏ qua. Cây trưng bày trong phòng khách thông thường được ưa chuộng nhất là màu xanh lá. Màu sắc này đem lại cảm giác dịu mát và đầy hơi thở thiên nhiên.
Tuy vậy, bên cạnh đó, bạn cũng cần vận dụng màu sắc thực vật trên nguyên tắc cân bằng âm dương, ngũ hành. Chẳng hạn, nếu phòng khách quá nhiều gam màu nóng có dương khí mạnh như đỏ, vàng thì thực vật nên chọn màu xanh lá hay thiên về gam màu trắng để tạo yếu tố “âm” từ màu lạnh này.
Cách bố trí cây
Khi trưng bày cây xanh trong phòng khách, bên cạnh sắp xếp sao cho tạo vẻ thẩm mỹ cho không gian sống thì bạn còn phải chú ý chọn vị trí mà ít người qua lại làm “động” đến trường khí của cây.
Cây cảnh trong phòng khách nên chọn cây cỡ trung và nhỏ là chính. Bạn không nên trưng bày cây cối quá lớn để tránh ảnh hưởng tầm nhìn, khiến cho phòng khách sinh ra cảm giác bị ức chế, tâm trạng con người dễ gặp áp lực, thay đổi thất thường và nảy sinh bất hòa.
Số lượng cây xanh trong phòng khách cũng không nên tham lam mà trưng bày quá nhiều. Nếu bước vào không gian này mà bạn cảm thấy tối và rối mắt thì khí lưu sẽ bị ảnh hưởng xấu, khiến cho phòng khách sinh ra âm khí nặng nề.
Bố trí cây xanh trong phòng khách nên căn cứ theo độ cao và lớn nhỏ của cây mà chọn vị trí cho thích hợp nhất. Cây tương đối cao như thiết mộc lan, phất dụ thơm, cây vạn tuế, ngũ gia bì v.v… có thể đặt ở nơi cửa ra vào, góc đại sảnh, cạnh cầu thang. Cây tầm trung dạng “chơi lá” như cây mật cật, lan lưỡi rồng, cây ráy xẻ, thường xuân, mã đề, thài lài v.v… có thể treo hay đặt ở bàn trà, tủ trưng bày, góc “bo tròn” của bộ sô pha. Cây nhỏ hơn như cây môn đốm, hồng môn, trầu bà, hoàng kim cát v.v… có thể đặt trên trà kỷ, tủ thấp.
Những loại cây không nên đưa vào không gian sống
Nguyệt quế: Tuy có hoa trắng muốt và rất thơm nhưng loại cây này không thích hợp đặt trong nơi ở, vì ban đêm cây sẽ tản phát những hạt phấn nhỏ và mùi hương kích thích mạnh mẽ, gây trở ngại cho giấc ngủ của bạn. Đặc biệt nó còn nguy hại lớn với người mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp.
Tùng bách: Nhóm cây này thường tỏa ra hương dầu dễ khiến con người cảm thấy khó thở.
Trúc đào: Loài hoa này có độc tính, thậm chí hương hoa còn dễ khiến người ta bị hôn mê, suy giảm trí lực. Nhất là nhà có trẻ nhỏ thì càng nên tránh cây trúc đào vì trẻ con nghịch ngợm có thể ăn phải lá, hoa mà bị ngộ độc.
Tulip: Trong hoa có một loại chất kiềm mang độc tố, tiếp xúc nhiều có thể khiến lông, tóc trên cơ thể dễ bị rụng.
Vận dụng cây xanh đem lại vận may và phúc khí cho nhà ở
Hoa cúc: Đây là loài hoa tượng trưng cho sự trường thọ, gia tăng phúc khí cho chủ nhân, ngoài ra nó còn có tác dụng hỗ trợ làm ổn định từ trường trong không gian sống. Lựa chọn lý tưởng cho phòng khách có thể là cúc trường thọ, sao nhái.
Cây quất: Những trái quất vàng cam rực rỡ mang hàm nghĩa tiền tài, phúc lộc, giúp gia chủ thêm nhiều may mắn và sung túc.
Thủy tiên: Loài hoa có tác dụng tránh tà, giải uế, ngụ ý cát tường như ý và chiêu tài lộc.
Trúc phú quý: Loài cây này còn có tên gọi là “Trúc vạn niên”, là “cây chiêu tài” rất được yêu thích.